Nắm bắt được khung độ tuổi “vàng” này, bố mẹ sẽ giúp trẻ khơi nguồn tình yêu với Toán học ngay từ lúc còn bé.
Toán học là bộ môn mà mọi thứ đều phải chính xác và rõ ràng, tất cả đều quy về những con số và phép tính. Trong bất kỳ kỳ thi tuyển sinh nào, Toán học là bộ môn bắt buộc, không bao giờ vắng nó được.
Nhiều trẻ khi lớn lên cảm thấy rất sợ môn Toán, những phép tính, con số quá nhiều khiến trẻ cảm thấy đau đầu và luôn tìm cách né tránh. Vậy nên việc trau dồi tư duy Toán học của trẻ ngay từ lúc nhỏ sẽ là nền tảng rất tốt để Toán học không còn là nổi ám ảnh và sợ hãi khi trẻ lớn lên.
2 giai đoạn nên để trẻ tiếp xúc với Toán là từ 2-4 tuổi và 5-6 tuổi. Đây được gọi là thời kỳ vàng của tư duy Toán học. Vào thời điểm này, trẻ sẽ tỏ ra tò mò với những con số, chúng thích hỏi và tò mò tất cả mọi thứ, trẻ cũng rất quan tâm đến số lượng. Bố mẹ nên nắm bắt giai đoạn quan trọng này để hướng dẫn trẻ hình thành thói quen yêu thích các con số.
Khi trẻ 2-4 tuổi
Ví dụ, khi đưa trẻ đi chơi, hãy tập cho trẻ đếm bước chân của mình, hoặc khi lên cầu thang, thử hỏi trẻ mình cần phải bước bao nhiêu bậc cầu thang thì mới đến nhà được. Hoặc ngay trong nhà, nếu gia đình nào có cầu thang, hãy viết số thứ tự để trẻ bước lên cầu thang tương ứng với con số trên đó.
Một ví dụ khác trong cuộc sống như khi đi mua sắm ở trung tâm thương mại, hãy thử hỏi trẻ có thể mua được gì với số tiền là 10.000VNĐ, 20.000VNĐ, 50.000VNĐ. Khi gia đình có khác, hãy để trẻ suy nghĩ thử mình cần phải chuẩn bị bao nhiêu bộ bát đĩa…Đây là những chi tiết nhỏ trong cuộc sống, từ những chi tiết nhỏ thú vị như vậy sẽ sớm làm cho trẻ thích thú với những con số khô khan.
Khi trẻ 5,6 tuổi
Vào giai đoạn này, trẻ đã có những hiểu biết về số lượng và bắt đầu có hứng thú với những mối quan hệ giữa trình sự, số đếm, bắt đầu có xu hướng thích sự so sánh kích thước và thực hiện các phép tính.
Lúc này, các trò chơi tăng cường khả năng quan sát của trẻ như sử dụng dùng carton để thay đổi hình dạng không gian, các trò chơi sử dụng số đếm và phép tính cũng được tăng cường để trẻ tập phản xạ tính toán nhanh hơn.
Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều tình huống mà bố mẹ có thể đặt ra những câu hỏi liên quan tới Toán học. Ví dụ, nếu có 10 cái bánh, mẹ lấy 2 cái bánh thì còn lại mấy cái…Hãy khuyến khích trẻ tự suy nghĩ và tự tính toán, kết quả đúng sai không quan trọng, nếu đúng bố mẹ có thể thưởng cho trẻ một cái gì đó.
Nắm bắt được thời kỳ quan trọng của tư duy Toán học, bố mẹ có thể nuôi dưỡng niềm đam mê với môn Toán cho trẻ ngay từ nhỏ.
Nguồn: Dân Việt