Sách: Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác

Nhờ niềm tin, tình yêu, sự tận tâm của gia đình và thầy cô, Lư Tô Vỹ từ người thiểu năng trí tuệ trở thành nhân tài với nhiều phát minh. Ông viết cuốn sách lấy cảm hứng từ cuộc đời mình.
Lư Tô Vỹ sinh năm 1960 tại Đài Loan. Năm lên 8 tuổi, cậu bé Vỹ bị thiểu năng trí tuệ sau trận viêm não Nhật Bản. Ban đầu, Lư Tô Vỹ không tự mình làm được mọi việc, khi đến trường, các bài kiểm tra của cậu chỉ toàn điểm “0”. Tô Vỹ ngốc tới mức bị cô giáo mắng là “con lợn ỉn” cũng không hiểu. Bạn bè niên thiếu không ai tưởng tượng được cậu bé ngốc nghếch – đến lớp 5 mới nhận biết mặt chữ – sau đó có thể đỗ đại học, trở thành nhân tài.
Lư Tô Vỹ viết câu chuyện của bản thân mình trong cuốn sách Con không ngốc, con chỉ thông mình theo một cách khác.
Hành trình vươn lên để trở thành một trong ba sinh viên xuất sắc nhất Học viện Cảnh sát của Lư Tô Vỹ cũng là hành trình của cả gia đình với tình yêu thương vô bờ bến. Mẹ Tô Vỹ là người mù chữ, trong hoàn cảnh gia đình nheo nhóc vẫn không ngần ngại bỏ thời gian, công việc theo con đến trường. Bà học từng chữ viết một, rồi lại gắng tìm cách giảng giải dễ hiểu để con có hứng thú nắm được chữ viết. Cha của Tô Vỹ luôn động viên và gieo vào con niềm tin mãnh liệt ở khả năng trí tuệ của mình. Người cha ấy đối diện với các bài kiểm tra toàn “trứng ngỗng” của con mình, vẫn tấm tắc khen: “không tồi chút nào, bài này con có điểm”. Khi con được điểm “1” đầu tiên (dù chấm theo thang điểm 100), ông đã hét lên thích thú: “Vỹ, con thi được điểm thật rồi! Thật rồi này”.
Cha Tô Vỹ không ngừng động viên con: “Vỹ rất thông minh, đã thế còn ngày càng thông minh hơn” hay: “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo cách khác người mà thôi”. Chị cả của em cũng là người khuyến khích, chỉ bảo em trai tận tâm. Chị đã từ bỏ ước mơ trở thành một nhân viên ngoại giao, theo học ngành sư phạm để có điều kiện hướng dẫn, dạy dỗ tốt nhất cho em mình. 
Hành trình đi tới thành công của Lư Tô Vỹ cũng xuất hiện bóng dáng của rất nhiều thầy cô – đã không ngừng động viên, tiếp sức cho anh trên con đường gặt hái tri thức đầy vất vả. Giáo sư dạy môn Trắc nghiệm tâm lý Mã Truyền Trấn đã bỏ ra hơn một tháng trời để phân tích từng mục trong bài trắc nghiệm IQ tâm lý của Lư Tô Vỹ. Cuối cùng ông phát hiện ra: “Lư Tô Vỹ! Tôi đoán không sai, em không phải là kẻ ngốc, mà là một thiên tài khác biệt, thiên tài trong em vẫn chưa phát hiện ra“. Chính giáo sư Mã đã nhận ra trong bài trắc nghiệm, dù bao nhiêu mục điểm thấp, những mục về năng lực tổng hợp, phân tích và tư duy sáng tạo của Tô Vỹ lại rất cao. 
Thay đổi phương pháp học tập, tư duy theo hướng phát huy những ưu thế về năng lực phân tích, tổ hợp… Lư Tô Vỹ gặt hái được nhiều thành công. Ông tốt nghiệp Học viện Sĩ quan Cảnh sát với điểm số xuất sắc, trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực khai thác và phát triển năng lực tiềm ẩn. Lư Tô Vỹ còn sở hữu 50 đầu sách về giáo dục con cái tại Đài Loan. 
Trong cuốn sách của mình, ở cuối mỗi chương, Lư Tô Vỹ lại đưa ra một bài học quan trọng từ những hồi ức của mình. Một trong những bài học mà Tô Vỹ nhắc đến chính là việc, mỗi người nên “Nhìn thấy thiên tài trong chính mình“. Ông viết: “Nhìn thấy thiên tài trong mình, thấy được vẻ đẹp độc đáo của bản thân, trong phút chốc cuộc đời chúng ta sẽ đổi khác. Trong xã hội hiện đại, chúng ta theo đuổi quá nhiều những mục tiêu không thuộc về mình, mà không biết bản thân mình thực sự muốn gì. Tại sao không dừng lại xem xét bản thân, rồi mới tiếp tục xuất phát? Nhất định bạn sẽ phát hiện ra rằng, chính bản thân bạn đã là một món quà, một kho báu vô giá“.
Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác không chỉ giúp ích cho các bậc phụ huynh đang loay hoay với khả năng nhận thức của con cái, mà còn có ý nghĩa với các bạn trẻ đang mất phương hướng, niềm tin ở bản thân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *